/ Văn Học Việt Nam / Ai làm được
Ai làm được
Tác giả: hồ biểu chánh
(Xem thêm)0.0 (0 đánh giá)
Nội dung:
Trước khi viết Ai làm được?, Hồ Biểu Chánh đã tham gia dịch một số truyện Trung Quốc và sáng tác truyện thơ U tình lục (1910). Nhưng sau khi đọc Hoàng Tố Oanh hàm oan của Gilbert Trần Chánh Chiếu, cụ nhận ra văn xuôi cảm người đọc hơn thơ, thế là cụ định tâm viết văn xuôi. Khi thuyên chuyển về Cà Mau làm việc năm 1912, Hồ Biểu Chánh bắt tay vào viết Ai làm được? rồi đem xuất bản nhiều kỳ trên báo Nông Cổ Mín Đàm. Hơn mười năm sau, cụ tự nhuận sắc lại và cho in thành sách tại nhà in Xưa-Nay ở Sài Gòn. Ai làm được? mở đầu với một cuộc gặp tại Cà Mau năm 1894 giữa ông lão giàu có Bạch Khiếu Nhàn với chàng thanh niên mồ côi Phan Chí Đại. Khiếu Nhàn không còn ai thân thích ngoài đứa cháu gái tên Bạch Tuyết. Mẹ Bạch Tuyết, con gái Khiếu Nhàn, là vợ cả quan phủ nhưng bị bà vợ hai thuốc chết. Việc này không đủ bằng chứng gì nên không thể mang ra tòa. Hôm gặp Chí Đại, thấy Chí Đại là người trung hiếu, Khiếu Nhàn muốn đưa về nuôi như con cháu trong nhà, rồi xin cho anh một chức ký lục chỗ quan phủ. Một hôm, nhân lúc Khiếu Nhàn về thăm quê miền Trung, bà vợ hai của quan phủ lập kế ép Bạch Tuyết cưới cháu bà đặng sau này thâu tóm gia sản nhà Khiếu Nhàn. Bạch Tuyết không chịu, thế là bà phủ mới loan tin đồn cô dan díu với Chí Đại, khiến cho Chí Đại bị đuổi, còn Bạch Tuyết thì bị đánh. Bức quá, Bạch Tuyết bỏ nhà đi để không bị rơi vào kế hoạch của kẻ thù giết mẹ. Gặp Chí Đại, hai người nảy sinh tình ý rồi kết thành vợ chồng. Nhưng Chí Đại không tìm được việc làm, chỉ còn nước đi kéo xe kiếm vài cắc mỗi ngày. Hai vợ chồng túng khổ đến mức, đứa con trai đầu lòng đẻ ra chưa bao lâu thì bệnh mà chết. Khiếu Nhàn về nhà nghe gia nhân thuật lại đầu đuôi thì rất đau lòng, mấy bận đi khắp lục tỉnh tìm kiếm. Cuối cùng may mắn thay gặp lại được cháu gái và cháu rể. Sau, để giúp cháu, ông hùng hạp với một người thương buôn để Chí Đại đi biển làm ăn. Vắng chồng, Bạch Tuyết ở nhà với ông ngoại, một hôm thấy người nhà quan phủ qua tìm gọi về ở, sợ rằng có mưu kế đằng sau, nên lại trốn nhà lần thứ hai lên Sài Gòn sống. Ở Sài Gòn, Bạch Tuyết nương nhờ nhà một bà già bán cháo, rồi vô tình kết nghĩa chị em với Băng Tâm, một cô gái đẹp phải trốn nhà đi vì bị con trai ông hội đồng ép quan hệ. Hai cô gái cùng sống với nhau ở nhà bà già một thời gian thì thình lình con trai ông hội đồng – tên Trường Khanh – dọn đến gần ở. Nhân lúc Băng Tâm ra ngoài, anh ta mới sang thú thật với Bạch Tuyết là mình đã hối lỗi và muốn tìm xin cưới Băng Tâm để chuộc tội cũng là để tìm người vợ có phẩm tiết. Bạch Tuyết bảo sẽ lựa lời khuyên nhủ. Chưa gì, vợ chồng quan phủ phát hiện ra nơi ở Bạch Tuyết, đòi bắt về Cà Mau. Băng Tâm sợ Bạch Tuyết bị hại nên xin đi cùng chăm sóc. Trường Khanh thấy thế cũng đi theo. Hai người Băng Tâm và Trường Khanh tìm cách cứu Bạch Tuyết khỏi nhà quan phủ thì lại bị bà phủ lập mưu đem bắt lên tòa. Bà phủ thừa cơ ép Bạch Tuyết uống thuốc độc, vừa may Chí Đại đi làm ăn xa về kịp lúc, nghe tin xộc vào nhà quan phủ, phá cửa cứu người. Có bằng chứng là chén thuốc độc, thêm nhân chứng là gia nhân, Chí Đại ra quan tòa tố cáo bà phủ. Trường Khanh và Băng Tâm được trở về, bà phủ bị bắt ở tù. Quan phủ cha Bạch Tuyết hiểu ra sự việc cũng ăn năn vì những chuyện xưa. Nhận thấy Trường Khanh đã trở nên một người đứng đắn, Băng Tâm bằng lòng lấy làm chồng. Chí Đại và Bạch Tuyết sau về ở với Khiếu Nhàn, và quan phủ dọn nhà sang ở sát bên, họ sống với nhau hòa thuận ấm êm, và câu chuyện khép lại tại đó. Ai làm được? là tác phẩm văn xuôi đầu tay của Hồ Biểu Chánh, nhưng nó mang nhiều điểm chung với các truyện sau đó: Người tốt kẻ xấu phân biệt rõ ràng. Kết truyện luôn có hậu. Không có gì bỏ ngỏ, các nút thắt đều được tháo gỡ. Cái sự trọn vẹn đó không khỏi làm ta nhớ đến các tác phẩm kinh điển của văn học Trung Đại. Những lưu lạc rồi đoàn viên trong Ai làm được? đó cũng giống như cái lưu lạc và đoàn viên trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Khiếu Nhàn cũng như Vương Ông, “một cây gánh vác biết bao nhiêu cành”. Cuộc đời của Chí Đại và Bạch Tuyết là điển hình cho câu Kiều “bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao”. Hơn nữa, cái tình cảnh của Bạch Tuyết những ngày tháng vò võ trông chồng nó chẳng phải giống cái tình cảnh của người phụ nữ trong Chinh phụ ngâm khúc hay Thiếu phụ Nam Xương? Tuy làm ký lục, thông ngôn cho Tây, nhưng Hồ Biểu Chánh xuất thân là nông dân, biết đồng cảm với cái khổ của người nghèo, thế nên nhiều đoạn cụ viết chân thực và xúc động. Như cái đoạn tả tình cảnh vợ chồng Chí Đại nuôi con mà không có tiền, rồi con nhỏ bị bệnh chết, Chí Đại một mình cầm cuốc đào huyệt chôn con mà phập vào ngón chân chảy máu, hôm sau lại phải kéo xe với cái chân cà nhắc. Nhiều nhân vật trong truyện Hồ Biểu Chánh cũng có cái thân phận đáng thương như vậy. Trong cái bối cảnh xã hội mà người phụ nữ thì bị tước đoạt quyền hạnh phúc bởi bất bình đẳng giới và tư duy hủ lậu, người nghèo bị hà hiếp, người ngay thẳng bị thị phi, thành kiến hủy hoại, có biết bao nhiêu nước mắt bao nhiêu nỗi đời nào ai ghi lại. Thế nên văn của Hồ Biểu Chánh cũng giống như đang nói hộ cái tiếng lòng của những con người thấp cổ bé họng. Đọc văn Hồ Biểu Chánh, người ta tức vì những bất công thì người ta cũng vui lòng khi ác giả ác báo, thiện giả thiện lai. Lời văn của Hồ Biểu Chánh đơn giản mà thấm thía. Cụ không đưa vào truyện nhiều miêu tả phong cảnh hay phân tích nội tâm nhân vật mà chủ yếu tập trung vào diễn biến. Điều này, theo nhiều nhà nghiên cứu, là một trong những điểm kém đáng kể so với Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, nên trong khi Tố Tâm được dư luận xem như điểm bắt đầu của tiểu thuyết chữ quốc ngữ thì Ai làm được? của Hồ Biểu Chánh, dù được viết từ trước đó 10 năm, lại không được xem trọng bằng. Dương Quảng Hàm, trong Việt Nam Văn học Sử yếu thậm chí không đề cập đến những đóng góp của Hồ Biểu Chánh trong sự hình thành thể loại tiểu thuyết. Cứ cho rằng phải viết như Tolstoy, như Dostoyevsky thì mới là tiểu thuyết, nếu nhìn ở một bình diện rộng lớn hơn, ta sẽ tự hỏi tại sao cứ phải là tiểu thuyết? Một độc giả của Hồ Biểu Chánh, Hồ Hữu Tường, trong Kể chuyện (Huệ Minh, 1965) chẳng đã bảo ông muốn nhường danh dự làm Dostoyevsky hay Tolstoy lại cho người khác, và ông chỉ muốn “kể chuyện”, “kể chuyện” cho hoang đường, cho hóm hỉnh, cho trào phúng, cho quê mùa mà thôi. Cả văn nghiệp của Hồ Hữu Tường cũng là minh chứng cho cái quan niệm đó. Phải chăng có điểm chung nào trong cách viết ở hai con người đất Nam Kỳ này đang dẫn chúng ta đến một cái gì đặc trưng miền Nam, mà như kỳ nữ Kim Cương, con gái của nghệ sĩ Bảy Nam, nói, đã khiến người miền Nam yêu thích văn của Hồ Biểu Chánh? Những ảnh hưởng sâu sắc của Hồ Biểu Chánh lên nghệ thuật cải lương và sau này là các bộ phim truyền hình dài tập đã cho thấy rõ hơn cáì đó, thứ khiến người ta bị cuốn vào câu chuyện như “nhập mộng rồi tỉnh”, khó có được khi đọc nhiều cuốn tiểu thuyết dù được ca tụng là kinh điển. Và biết đâu, chính cái lịch sử văn học tiền chiến xoay quanh các sự kiện và nhân vật ở miền Bắc lại chỉ là một phần của bức tranh lịch sử văn học Việt Nam khi mà, như Nguyễn Văn Trung nói trong quyển Văn xuôi Nam Bộ Nửa đầu thế kỷ 20 (NXB Văn Nghệ TP.HCM, 1999) rằng hai miền có nhiều khác biệt về điều kiện sinh hoạt và diễn tiến văn hóa, theo đó, văn chương của miền Nam cũng có một lịch sử riêng, với những cột mốc riêng? Ngoài lề: Trong Ai làm được của Hồ Biểu Chánh có nhắc đến một người làm nghề bốc thuốc tên là Nhiêu Tâm. Liệu đó có phải là ông Đỗ Như Tâm (1840-1911), mà tên ông được đặt cho cái con đường người Sài Gòn vẫn biết đến như là phố vàng bạc?
Xem ThêmChủ đề yêu thích
Popular tags for the story
Quà tặng
Yêu thích
Có thể bạn quan tâm
Sách Mỗi Ngày
SachMoiNgay.Com - Nơi tổng hợp những cuốn sách hay nên đọc, sách của những doanh nhân nổi tiếng mà bạn nên đọc mỗi ngày để làm giàu thêm kiến thức.
Mọi thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm trên Internet. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, Sách Mỗi Ngày sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.
Made with © 2023 SachMoiNgay
DANH MỤC
Văn học Việt Nam Tiểu Thuyết Phương Tây Tiểu Thuyết Đông Phương Cổ Tích - Thần Thoại Truyện Ma - Kinh Dị Truyện Cười - Tiếu Lâm Tác Phẩm Việt Sách Tranh - Cổ Tích Tiểu Thuyết Sách Mỗi Ngày Sách Tranh Sách Mỗi Ngày
TÁC PHẨM NỔI BẬT
Sách Hướng Dẫn Harry Potter Và Hòn Đá Phù Thủy 100 mẩu chuyện cổ Đông Tây Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam Lịch sử Việt Nam bằng tranh Trên Đường Băng Câu chuyện Ông lão ăn mày Tác phẩm Thơ Duyên Truyện cổ Andersen Mối Tình Đầu
THÔNG TIN
Chính sách bảo mật Điều khoản dịch vụ Liên hệ: [email protected]
Sách Mỗi Ngày được chia sẻ với các điều khoản của giấy phép Creative Commons Ghi công 4.0 Quốc tế .
Xin chào, có vẻ như bạn đang đọc sách hổng phải trên trình duyệt, xem trên trình duyệt sẽ trải nghiệm tốt nhất ạ!
Sách Mỗi Ngày
Chào mừng đến với Sách Mỗi Ngày
Truy cập kho tiểu thuyết và sách tranh của bạn
Bạn chưa có tài khoản ? vui lòng chọn đăng ký Đăng ký